RTX 3090 SUPRIM X có thể được coi là minh chứng hung hồn nhất về 20 năm kinh nghiệm thiết kế và sản xuất card đồ họa của MSI
Rất may mắn là hôm nay tôi đã được trên tay chiếc card đồ họa có thể gọi là “đỉnh của chóp” trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Ấn tượng đầu tiên là hộp được thiết kế lại với tông màu trắng làm chủ đạo đồng thời kiểu hộp mở lên cũng tạo cảm giác “sang chảnh”, cao cấp hơn.
Tuy nhiên, cung cách đóng gói bên trong cũng không quá khác biệt so với các sản phẩm card đồ họa khác của MSI với một tấm xốp mỏng được khoét rãnh để đặt phong bì đen chứa các loại sách hướng dẫn. Vẫn có chút khác biệt khi nhà sản xuất đã thêm một tấm thiệp với thông điệp tương đối táo bạo “Change the game” – Thay đổi cuộc chơi.
Ngoài ra, không biết MSI có học tập cách làm của AMD không mà đội “rồng đỏ” cũng tặng kèm cho game thủ một chiếc lót chuột với thiết kế đồng điệu với sản phẩm. Với kích thước thuộc dạng to nạc bậc nhất thị trường, thứ đi kèm không thể thiếu của RTX 3090 SUPRIM X chính là chiếc chân chống card đồ họa để tránh tình trạng xệ card do trọng lượng quá lớn.
Tổng thể thiết kế của SUPRIM X thực sự làm tôi ấn tượng. Dù form thiết kế vẫn là kiểu truyền thống với 3 quạt, việc khung và thân vỏ card được chế tác từ kim loại phay xước cùng phối màu xám ghi giúp chiếc card đồ họa có phần quá khổ này trở nên trang nhã, tinh tế hơn rất nhiều. Kết hợp với các cạnh kim loại được mài bóng điểm xuyết quanh quạt tản nhiệt càng làm tô điểm cho tổng thể thẩm mỹ của chiếc card đồ họa này.
Quạt tản nhiệt của RTX 3090 SUPRIM X được dùng chung công nghệ TORX FAN 4.0 với Gaming X Trio. Dù vẫn đem lại khả năng tản nhiệt tốt, việc sử dụng cùng công nghệ quạt với phiên bản cấp thấp hơn làm tôi tương đối thất vọng. Phần hiệu năng làm mát cũng là một phần gây thất vọng khác mà tôi sẽ đề cập sâu hơn ở phần sau.
Các cạnh của RTX 3090 SUPRIM X cũng không có gì đặc biệt, phần lớn những gì chúng ta thấy đều là các lá kim loại tản nhiệt kích thước lớn để đảm bảo khả năng làm mát cho con quái vật GA102 và các chip VRM hay chip nhớ xung quanh.
Số cổng kết nối khá hạn chế với 3 cổng Display Port 1.4a và 1 cổng HDMI 2.1 cũng là một điểm gây bất ngờ. Về số chân nguồn, việc sử dụng tới 3 chân 8pin gần như đã là mẫu số chung cho những chiếc RTX 3090 dòng cao cấp.
Backplate của chiếc card đồ họa này cũng được thiết kế đồng bộ với phần thân vỏ ở mặt trước. Bởi là phiên bản cao cấp nhất nên MSI đã bổ sung thêm cả logo RGB ở mặt này. Một chi tiết bổ sung rất đáng tiền đó chính là công tắc gạt chuyển chế độ Silent và Gaming thay vì phải lên trang chủ của MSI tải BIOS tương ứng và cài đặt như dòng Gaming X trở xuống.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa là chiếc card này rất to và nặng với chiều dài lên tới 336mm và dày tới 61mm tương đương hơn 3 slot. Cân nặng của nó cũng tới 1,9kg. Đặt cạnh chiếc vỏ case ITX mà tôi dùng hàng ngày mới thấy tương quan lực lượng chênh lệch thế nào.
Cách bố trí LED trên chiếc RTX 3090 SUPRIM X này tuy hợp với tổng thể thiết kế nhưng chưa thực sự nổi bật so với các sản phẩm từ các hãng đối thủ. Tất nhiên nếu so với sản phẩm ở phân khúc dưới của chính MSI thì phần LED này quả thực trên tầm rất nhiều.
Dông dài về ngoại thất đủ rồi, giờ đến phần thử nghiệm. Cấu hình thử nghiệm như bên dưới với 2 sản phẩm được so sánh đều là những chiếc RTX 3090 đến từ MSI.
CPU: AMD Ryzen 9 5900X
Mainboard: MSI MEG X570 UNIFY
RAM: Patriot Viper Steel 2 x 8GB 4000MHz CAS19
NVMe: Samsung PM981a 1TB
PSU: MSI MPG A750GF
Tản nhiệt CPU: Noctua NH-D15 Chromax
Case: Benchtable
Về hiệu năng, ở bộ bài thử 3DMark, có thể thấy mức chênh lệch cao nhất về hiệu năng của 2 chiếc card đồ họa này cũng chỉ đạt mức 6% ở TimeSpy.
Trong khi đó, khả năng xử lý và dựng hình trong Indigo Supercar của bộ đôi hàng khủng này chênh nhau chưa tới 1%.
Ở một bài thử hiệu năng 3D khác là Unigine Superposition, mức chênh lệch thậm chí chỉ là 0,2%.
Hiệu năng của card đồ họa thì chắc chắn không thể nhắc tới games. Với RTX 3090 thì việc benchmark game ở độ phân giải 1080p gần như là vô nghĩa bởi lúc đó thứ gây nghẽn cổ chai là CPU và điểm số lúc đó không có giá trị tham khảo. Có tiền mua RTX 3090 rồi thì cứ kéo độ phân giải lên 4K và thiết lập max settings đã rồi chơi gì thì chơi. Điểm số ở các tựa game được thử nghiệm cho thấy gần như không có sự khác biệt giữa bộ đôi RTX 3090 đến từ MSI. Sự chênh lệch có chăng là sai số trong quá trình chạy benchmark.
Dẫu biết dân chơi có tiền sắm tới RTX 3090 thì không cần quan tâm đến điện đóm nhưng khi đo được mức tiêu thụ điện lên tới 420W của chiếc RTX 3090 SUPRIM X thì tôi cũng phải giật mình. Việc tiêu thụ nhiều điện cũng khiến GPU nóng hơn, đạt đỉnh 76 độ C so với mức 71 độ C của Gaming X Trio mặc dù thời tiết Hà Nội bây giờ nhiệt độ phòng cũng chỉ khoảng hơn 20 độ C một chút. Độ ồn của quạt tản nhiệt cũng ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, dù được thiết kế lại về ngoại thất cũng như trang bị GPU GA102 được chọn lọc kĩ nhất để đạt xung nhịp cao, hệ thống quạt tản nhiệt của chiếc RTX 3090 SUPRIM X là chưa tương xứng. Do đó, xung nhịp cao hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiệt độ cao hơn mà không có giải pháp giải quyết. Điểm gỡ gạc là chiếc card đồ họa này gần như đã không còn khoảng trần để ép xung.
Tổng kết lại, MSI GeForce RTX 3090 SUPRIM X một lần nữa cho thấy khả năng đẩy card đồ họa tới giới hạn của MSI, cả về hiệu năng lẫn thiết kế. Với mức giá cao hơn cả một chiếc Air Blade 125 biển Hà Nội, sự kì vọng dành cho chiếc card đồ họa này là rất lớn. Đơn giản là mua về, cắm vào máy và chạy là đã có được hiệu năng cao nhất của dòng RTX 3090 trên thị trường. Mức chênh 3 triệu VNĐ so với phiên bản RTX 3090 Gaming X Trio có thể khiến những người chưa có đủ tiềm lực tài chính để mua phải suy nghĩ nhưng tôi tin chắc rằng những ai đầu tư RTX 3090 đều sẽ muốn có một chiếc card đồ họa “đỉnh của chóp” và MSI RTX 3090 SUPRIM X là một lựa chọn tương ứng cả về giá thành lẫn hiệu năng.